XEM LÁ SỐ
Năm sinh:
Tháng sinh:
Ngày sinh:
Giờ sinh:
LƯỢT TRUY CẬP
Thành viên đang online
:
Tổng truy cập
:

PHONG THỦY CẦU THANG

PHONG THỦY CẦU THANG

Trong một ngôi nhà, cầu thang luôn chiếm một diện tích khá lớn trong tổng thể diện tích của ngôi nhà, là nơi chuyển tải khí, lưu thông khí giữa các tầng, các phòng trong nhà. Xét về mặt phong thủy học, cầu thang có ý nghĩa khá quan trọng, có tác động ảnh hưởng không nhỏ đến cát hung của toàn bộ ngôi nhà cũng như những người sinh sống trong ngôi nhà đó.

Trong phong thủy, cầu thang thường được chia làm hai phần: Động khẩu và Lai Mạch. Động khẩu là phần cầu thang được tính từ 1 đến 3 bậc đầu tiên. Lai mạch là phần còn lại, bao gồm cả thân cầu thang lẫn chiếu nghỉ.

Trong phép bố trí cầu thang thì động khẩu quan trọng hơn lai mạch. Động khẩu là nơi tiếp khí mạch, cùng với lai mạch dẫn khí lên các tầng phía trên của ngôi nhà.

Phương pháp bố trí cầu thang:

Hiện nay có nhiều lý luận khác nhau về cách bố trí cầu thang, đôi khi có sự mâu thuẫn, trái ngược nhau nên khiến cho người đọc bán tín, bán nghi về độ chính xác cũng như tác dụng, ý nghĩa thực sự của cầu thang về mặt phong thủy học. Để bạn đọc có sự nhìn nhận chính xác về cách bố trí cầu thang, Phong Thủy Nam Việt tổng hợp lại một số nguyên tắc khi bố trí cầu thang để bạn đọc tham khảo.

1. Bố trí phần động khẩu:

Trong phép bố trí cầu thang, động khẩu được xác định là chủ khí, lai mạch là khách khí. Động khẩu là trọng, lai mạch là khinh. Động khẩu có thể được bố trí ở bên trái, bên phải, khu vực phía trước, phía sau ngôi nhà hoặc ở vị trí bất kỳ. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào thì Động khẩu nhất định phải được bố trí ở vị trí tốt mới đạt được giá trị về mặt phong thủy học.

Căn cứ vào mức độ khí đến động khẩu mà có 3 phép bố trí như sau:

- Phép tiếp mạch: Thường dùng cho trường hợp khí đến yếu, đi trầm, là những ngôi nhà bố trí cầu thang ở phía trong cùng, phía sau ngôi nhà, bị khuất lấp, nằm trong khu vực chật hẹp. Khi đó, động khẩu phải dùng tối thiểu là 3 bậc nằm trọn vẹn trong cung có vùng khí tốt, mới có đủ khả năng hấp thu cát khí, chuyển tải qua lai mạch lên các tầng.

- Phép thừa khí: Phép này dùng trong trường hợp khí đến mạnh, trực cấp, là những nhà bố trí cầu thang ở phía ngoài thẳng hướng với nhà, ở gần cửa ra vào. Khi đó, động khẩu có thể chỉ cần dùng một bậc nằm trong cung vị tốt để tiếp khí mạch. Nếu diện tích nhà rộng rãi, có độ dài phù hợp thì có thể dùng 2 hoặc 3 bậc để tiếp khí.

- Phép khí mạch kiêm thu: Dùng cho trường hợp khí đến bình ổn, vừa phải, không mạnh cũng không yếu, thường là những nhà bố trí cầu thang ở phía giữa ngôi nhà, ở ngăn thứ 2, không trực hướng với cửa ra vào. Phần động khẩu chỉ cần dùng 2 bậc nằm trong cung vị tốt, một bậc để thụ khí, một bậc chuyển khí cho lai mạch là được.

Cung tốt để bố trí phần Động Khẩu cho cầu thang ở đây là cung Thiên Lộc, Thiên Mã, Âm Quý nhân, Dương Quý nhân hoặc các cung có hướng tinh sinh, vượng bay đến như Bát Bạch, Cửu Tử hay Nhất Bạch. 

2. Phần lai mạch

Lai mạch được đánh giá là kém quan trọng hơn động khẩu nên không nhất thiết phải nằm trong cung vị tốt. Lai mạch thường kéo dài và nằm trên nhiều cung vị khác nhau, nếu bố trí nằm trọn vẹn được ở các cung vị tốt sẽ rất tốt, nếu không thì nên chọn vị trí đến của tầng phía trên là vị trí tốt, nếu không đạt được cũng không có ảnh hưởng nhiều về mặt phong thủy.


3. Hướng của cầu thang

Hướng của cầu thang bao gồm hướng của động khẩu và hướng của lai mạch. Trong phong thủy, nên lấy hướng của động khẩu làm trọng mà không cần chú ý nhiều đến hướng của lai mạch. Tuy nhiên, nếu điều kiện cho phép lấy được hướng cho cả hai thì rất tốt. Còn không thì cần lấy hướng tốt cho phần động khẩu, hướng động khẩu tốt là đã đạt được giá trị về mặt phong thủy học.

Do cùng sinh sống trong một ngôi nhà nên các thành viên trong nhà hàng ngày luôn vận động đi theo cầu thang lên xuống các tầng, khí ở cầu thang sẽ động mạnh, khí này phần lớn liên quan đến sự vận động của con người, có sự tương tác với nhân khí. Vì vậy, hướng động khẩu cần quay về hướng tốt so với cung mệnh của gia chủ, đó là các hướng Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên hay Phục Vị.

4. Số bậc cầu thang

Hiện nay đang tồn tại nhiều lý luận khác nhau về cách tính số bậc cầu thang cho ngôi nhà, nên đã làm cho không ít gia chủ phải băn khoăn, lo lắng về vấn đề đó. Có lý luận áp dụng tính số bậc cầu thang theo quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Có lý luận thì áp dụng theo quy luật 12 cung Trường sinh Đế vượng như Trường sinh, Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng. Lý luận khác thì lại vận dụng theo 8 cung của thước lỗ ban, bao gồm: Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Kiếp, Hại, Bản. Trong đó 4 cung Tài, Nghĩa, Quan, Bản là cung tốt, các cung còn lại đều là hung.

Vậy lý luận nào là đúng? Lý luận nào là sai? Ta phải vận dụng các lý luận đó như thế nào?

Thực ra các lý luận trên đều có cơ sở khoa học và có ý nghĩa quan trọng về mặt phong thủy học, còn việc vận dụng như thế nào cho đúng và vận dụng trong trong trường hợp nào thì cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia phong thủy và những người có chuyên môn.

Nguyễn Trọng Hậu (THFS) - Tổng hợp

 BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

1. Tra cung mệnh theo năm sinh chính xác

2. Bố trí phòng thờ, ban thờ hợp phong thủy

3. Thiết kế, bố trí phòng khách chuẩn phong thủy

4. Dịch vụ đặt tên, cải tên theo phong thủy